Nội dung chính bắt đầu tại đây
Từ Tokyo, bạn có thể dễ dàng đi đến vùng đất tọa lạc của ngọn núi Phú Sĩ - Yamanashi - nơi mang đến cho bạn cảm giác như đang ở trong một thế giới tách biệt với sự nhộn nhịp của khu vực thủ đô. Bên cạnh ngọn núi linh thiêng nhất Nhật Bản, khu vực thiên nhiên trù phú này còn có Ngũ Hồ Phú Sĩ đẹp như tranh vẽ, khu nghỉ dưỡng cao nguyên Kiyosato ẩn mình giữa thiên nhiên, các di tích lịch sử trang nghiêm như chùa Erinji và chùa Kuonji, nhiều suối nước nóng tuyệt vời, và một số xưởng rượu vang ngon nhất của Nhật Bản. Nói tóm lại, Yamanashi là nơi có đủ mọi yếu tố để biến nơi đây thành một địa điểm không thể bỏ lỡ cho những ai muốn khám phá một khía cạnh mới của Nhật Bản, tìm hiểu vẻ đẹp thực sự của đất nước này và tìm lại sức sống cho mình giữa thiên nhiên bao la.
Tìm kiếm trải nghiệm mới
Dù cho bạn đang muốn thư giãn giữa thiên nhiên, tham quan các ngôi chùa và lâu đài hay đơn giản chỉ là chụp vài bức ảnh hoàn hảo về núi Phú Sĩ, Yamanashi đều có thể đáp ứng cho bạn. Hãy tìm kiếm các hoạt động trải nghiệm theo thể loại như bên dưới hoặc tìm hiểu về các điểm nổi bật và sản phẩm truyền thống của khu vực này trước khi lên kế hoạch cho chuyến đi của bạn nhé.
Nét hấp dẫn của Yamanashi
-
Núi Phú Sĩ
Núi Phú Sĩ cao 3.776 mét là biểu tượng của Nhật Bản và là niềm tự hào của Yamanashi. Hình dạng đối xứng đầy ấn tượng được hình thành do hoạt động của núi lửa qua hàng thế kỷ của ngọn núi này chính là đặc điểm nổi bật giúp bất kỳ ai khi đến đây cũng đều dễ dàng nhận ra ngay, dù cho có đang nhìn ngắm ở hướng nào đi nữa. Từ thời cổ đại, ngọn núi Phú Sĩ đã được xem là nơi linh thiêng, và ý nghĩa văn hóa - tinh thần của ngọn núi đã được thừa nhận thông qua việc công nhận là Di sản thế giới vào năm 2013. Bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngọn núi này quanh năm, thế nhưng hoạt động leo núi ở đây chỉ tổ chức vào tháng 7 và tháng 8.
-
Suối nước nóng
Yamanashi có rất nhiều khu nghỉ dưỡng suối nước nóng, từ Isawa và Yumura đầy thoải mái với cung đường đi lại thuận tiện cho đến Nishiyama và Shimobe yên tĩnh và ẩn mình nơi xa xôi. Việc ngâm mình vào một trong những bồn tắm chữa bệnh này cùng với những bữa ăn truyền thống được chế biến từ các nguyên liệu địa phương tươi ngon nhất, sẽ giúp bạn thư giãn cả cơ thể và tâm trí của mình.
Nghi thức khi tắm suối nước nóng
-
Hái trái cây
Yamanashi còn được biết đến là “vương quốc trái cây” của Nhật Bản với sản lượng nho, đào và mận đứng đầu toàn quốc, không chỉ vậy, nơi đây còn là vùng đất sở hữu nhiều món ngon đặc sắc khác. Cách tốt nhất để thưởng thức trái cây theo mùa là tự hái và ăn tại chỗ. Trải nghiệm hái quả dùng ngay này hiện đã có mặt tại một số vườn cây ăn quả trên khắp Yamanashi.
-
Hoa và lá mùa thu
Thiên nhiên xanh tốt của Yamanashi tuyệt đẹp quanh năm, mỗi mùa đều mang đến những màu sắc khác nhau cho cảnh vật nơi đây. Mùa xuân là thời điểm của hoa anh đào và hoa đào, còn mùa hè là lúc hoa lavender và hoa hướng dương nở rộ. Vào mùa thu, các khu rừng của tỉnh lấp lánh với sắc vàng, đỏ và cam, khi những tán lá theo mùa che phủ các sườn núi, thung lũng và hẻm núi.
-
Rượu
Khí hậu và nguồn nước tinh khiết dồi dào của Yamanashi đã biến khu vực này thành một trong những nơi sản xuất rượu chất lượng cao hàng đầu Nhật Bản. Rượu vang Koshu sản xuất từ giống nho Koshu bản địa đã nhận được nhiều sự tán dương trên khắp thế giới, không chỉ thế, rượu sake Yamanashi, rượu whisky và bia được làm thủ công cũng rất đáng để thưởng thức.
-
Ẩm thực
Từ hương vị nông thôn đơn giản nhưng thịnh soạn đến ẩm thực cao cấp, Yamanashi có một nền văn hóa ẩm thực phong phú, trong đó các nguyên liệu địa phương theo mùa đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Những món ăn không thể bỏ qua ở đây bao gồm hoto - món súp mì hương vị miso có kết cấu đặc dùng kèm rau đầy thịnh soạn, sukiyaki với “thịt bò ướp rượu vang” Koshu và gà nướng gia truyền Koshu Jidori.
-
Các hoạt động trong nhà
Bạn muốn thử làm mì, làm một vài tờ giấy truyền thống, hay thiền định như một Thiền sư? Các nhà xưởng và xưởng vẽ ở khắp Yamanashi sẽ mang đến nhiều trải nghiệm nghệ thuật và văn hóa cho du khách phổ thông. Việc thông dịch sang tiếng nước ngoài nói chung có thể được sắp xếp theo yêu cầu.
-
Các hoạt động ngoài trời
Có rất nhiều loại hình hoạt động ngoài trời cho bạn chọn lựa để tận hưởng không khí trong lành và phong cảnh núi non của Yamanashi. Dù trình độ kỹ năng và hoạt động ưa thích của bạn là gì – đi bộ đường dài, đạp xe, chèo thuyền vượt thác, golf hay thậm chí là lướt ván ca-nô – bạn chắc chắn sẽ tìm thấy điều gì đó để thử thách bản thân ở đây.
Sản phẩm truyền thống
-
Rượu vang Koshu
Koshu là giống nho làm rượu vang được công nhận là ngon nhất của Nhật Bản và rượu vang Koshu đã được sản xuất tại khu vực Katsunuma và vùng lân cận từ năm 1877, khi Takano Masanari và Tsuchiya Tatsunori thành lập một xưởng rượu vang ở đó sau khi nghiên cứu về nghề trồng nho ở Pháp. Khoảng 100 xưởng rượu vang hoạt động ở Katsunuma ngày nay chiếm khoảng 50% tổng lượng rượu vang sản xuất tại Nhật Bản. Và hiện vẫn còn rất nhiều thiết bị làm rượu vang mang tính lịch sử được trưng bày tại Trung tâm Rượu vang Budo-no-Oka.
-
Inden
Inden là nghề thủ công truyền thống chỉ có ở Yamanashi, trong đó các sản phẩm từ da đanh (da hươu nai thuộc) được trang trí bằng sơn mài Nhật Bản. Kỹ thuật này có nguồn gốc từ các phụ kiện bằng da được nhập khẩu từ Ấn Độ vào thế kỷ mười bảy, và được áp dụng cho các mặt hàng từ ví nhỏ đựng tiền xu, khăn đai thắt lưng đến tẩu hút thuốc lá. Ngày nay, các sản phẩm inden cũng bao gồm cả các mặt hàng như ví tiền, ví đựng thẻ, túi xách và thắt lưng – tất cả đều được làm thủ công theo phương pháp truyền thống.
-
Hoto
Hoto là món súp mì hương vị miso có kết cấu đặc dùng kèm rau đầy thịnh soạn thường được phục vụ trong nồi sắt. Món ăn này được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng nổi tiếng nhất là nguồn gốc liên quan đến Takeda Shingen, vị lãnh chúa sống ở thế kỷ mười sáu, người cai trị vùng đất là Yamanashi ngày nay và được cho là đã ăn hoto cùng với các samurai của mình trước những trận chiến. Là món ăn dễ chế biến và rất tốt cho sức khỏe, hoto vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực địa phương.
-
Trang sức
Thành phố Kofu là một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về cắt đá và chế tác đồ trang sức. Truyền thống cắt và đánh bóng đá quý của thành phố này được cho là bắt đầu bởi các giáo sĩ Shinto (Thần đạo), những người đã học các kỹ thuật đó ở Kyoto thời Edo (1603-1868) khi nơi này vẫn còn là thủ đô của Nhật Bản. Ngành công nghiệp này ban đầu tập trung vào việc tinh chế các tinh thể được khai thác tại địa phương, nhưng giờ đây cũng được chú ý đến với các loại đá như mã não, ngọc bích và opal. Kofu cũng là nơi có bảo tàng đồ trang sức duy nhất của Nhật Bản.
-
Vải Koshu
Sản xuất vải ở khu vực Koshu được cho là bắt đầu vào khoảng năm 1633 dưới sự khuyến khích của lãnh chúa ở một trang viên địa phương. Ngành công nghiệp dệt may của khu vực này phát triển thịnh vượng nhờ vào dòng nước tinh khiết dồi dào sinh ra từ tuyết tan bắt nguồn ở núi Phú Sĩ gần đó và ngành công nghiệp ươm tơ phát triển mạnh mẽ mang đến nguồn nguyên liệu thô cần thiết. Ga giường, cà vạt và vải may quần áo nữ từ Koshu được sử dụng trên khắp Nhật Bản.